Những vị thuốc bổ huyết quanh ta.
Contents
Thuốc bổ huyết là gì?
Theo y học cổ truyền, thuốc bổ huyết là những thuốc có tác dụng tạo huyết, dưỡng huyết. Phần lớn những vị thuốc này có màu đỏ, vị ngọt, tính ấm, được quy vào các kinh có liên quan đến huyết như tâm, gan, tỳ. Thông thường khi dùng thuốc bổ huyết tùy theo tình trạng cụ thể mà phối hợp cho hợp lý. Ví dụ khi huyết hư và khí hư thì kết hợp thuốc bổ huyết và bổ khí, kèm táo kết thì kết hợp thuốc nhuận tràng và thông tiện. khi khí huyết hư thường dẫn đến cơ tê mỏi khi đó nên phối hợp thuốc bổ tỳ. Khi huyết thiếu dẫn đến thần chí bất an thì kết hợp thuốc dưỡng tâm an thần.
Một số vị thuốc bổ huyết hay gặp quanh ta.
Hà thủ ô đỏ
Hà thủ ô là một vị thuốc thuộc họ rau răm, là cây cỏ mọc hoang ở khá nhiều vùng núi nước ta, hiện nay cũng đã được trồng ở nhiều địa phương. Đây là một loại thuốc quí hiếm và có nhiều công dụng trong y cổ truyền.
Theo những nghiên cứu về tác dụng dược lí, người ta chứng minh antraglycosid trong hà thủ ô có tác dụng làm tăng nhu động cuả ruột và dạ dày ( do đó có tác dụng kích thích tiêu hóa, kiện vị). Chất lexetin có trong hà thủ ô có tác dụng bổ thần kinh, làm cho chất cholesterol trầm tích trong gan làm giảm tác dụng xơ cứng động mạch. Dịch chiết hà thủ ô làm tăng cao lượng đường glycogen tích lũy trong gan trong những con chuột thí nghiệm đã cắt bỏ tuyến thượng thận.
Hà thủ ô có tác dụng bổ khí huyết, dùng trong các trường hợp khí huyết hư, cơ thể mệt mỏi vô lực, hơi thở ngắn, thiếu máu, da xanh xao, người gầy, chóng mặt nhức đầu, râu tóc sớm bạc, loạn nhịp tim, mất ngủ. Thông thường phối hợp cùng thục địa, long nhãn, đẳng sâm, bạch thược.
Trong trường hợp thận âm kém dẫn đến đau lưng mỏi gối, di tinh liệt dương, phụ nữ kinh nguyệt không đều, bạch đới thì có thể dùng bài thuốc sau :Hà thủ ô 40g, hương phụ 40g, ngải cứu 16g, củ gai 20g, lá sung 40g, ích mẫu 20g, đậu đen 40g.
Ngoài ra, hà thủ ô còn có tác dụng giải độc chống viêm, dùng trong các trường hợp mụn nhọt, lở ngứa. Nó còn dùng để trị bệnh tràng nhạc và viêm gan mãn tính. Đôi khi còn dùng trong các trường hợp thiếu máu vô lực dẫn đến đại điện bí đái, chữa trĩ đi ngoài ra máu cũng có kết quả khá tốt.
Dây hà thủ ô còn có tác dụng an thần gây ngủ không nên thu hái lãng phí.
Long nhãn
Nhãn được trồng nhiều ở nhiều địa phương nước ta để lấy quả và làm long nhãn. Long nhãn cũng là một vị thuốc bổ huyết quan trọng trong y học cổ truyền.
Người ta dùng long nhãn trong các trường hợp thiếu máu, cơ thể suy nhược, yếu mệt, thể trạng ngày càng giảm, đoản hơi. Thông thường phối hợp long nhãn với các loại thuốc bổ huyết khác như đương quy, hoàng kì.
Long nhãn cũng có tác dụng an thần ích trí dùng trong các trường hợp mất ngủ, trí nhớ suy giảm hay quên, lo nghĩ quá nhiều dẫn đến tâm hồi hộp , tim đập nhanh, chóng mặt.