Kháng sinh nhóm sulfamid
Contents
Nguồn gốc, tính chất
Sulfamid đều là các dẫn chất tổng hợp, dẫn xuất của Sulfanilamid do thay thế nhóm – NH2 hoặc nhóm – SO2NH2. Đây là loại thuốc bột trắng, rất ít tan trong nước, dễ tan hơn trong huyết thanh và mật.
Cơ chế tác dụng, phổ kháng khuẩn
PABA (para amino benzoic acid) là nguồn nguyên liệu rất cần thiết cho vi khuẩn tổng hợp acid folic để phát triển. Do thuốc có cấu trúc hóa học gần giống với PABA nên sulfamid đã tranh chấp với PABA làm ngăn cản quá trình tổng hợp acid folic của vi khuẩn.
Ngoài ra, sulfamid còn ức chế dihydrofolat synthetase, một loại enzym tham gia tổng hợp acid folic. Vì vậy sulfamid là chất kìm khuẩn. Với tế bào động vật có vú và vi khuẩn nào có thể sử dụng trực tiếp acid folic từ môi trường thì đều không chịu ảnh hưởng của sulfamid.
Về mặt lý thuyết, phổ kháng khuẩn của sulfamid là rất rộng, gồm hầu hết các loại cầu khuẩn, trực khuẩn gram (+) và (-). Nhưng hiện nay, tỷ lệ kháng thuốc và kháng chéo giữa các thuốc sulfamid đang rất cao nên đã người ta hạn chế việc sử dụng sulfamid rất nhiều. Cac loại vi khuẩn kháng thuốc bằng cách tăng tổng hợp PABA hoặc giảm tính thấm với sulfamid.
Dược động học của thuốc
– Các sulfamid được hấp thu nhanh qua dạ dày và ruột non (trừ loại sulfaguanidin), 70 – 80% liều uống vào được máu, gắn với protein huyết tương 40 – 80%, nồng độ tối đa đạt được trong máu sau 2- 4h.
– Từ máu, sulfamid khuếch tán rất dễ dàng vào tới các mô, vào dịch não tuỷ (bằng 1/2 hoặc tương đương với nồng độ trong máu), qua rau thai và gây độc.
– Những quá trình chuyển hóa chủ yếu ở gan của sulfamid bao gồm:
Acetyl hóa, từ 10- 50% tuỳ loại thuốc. Các sản phẩm acetyl hóa rất ít tan trong nước, dễ gây tai biến khi thải trừ qua thận. Các sulfamid mới có tỷ lệ acetyl hóa thấp hơn (6 -16%) và sản phẩm acetyl hóa lại dễ tan.
Liên hợp với acid glucuronic (sulfadimethoxin), rất dễ tan trong nước
Thải trừ: chủ yếu thải trừ qua thận (lọc qua cầu thận và bài xuất qua ống thận). Dẫn xuất acetyl hóa (25 -60% trong nước tiểu) không tan, tạo tinh thể có thể gây ra đái máu hoặc vô niệu. Vì vậy, cần két hợp uống nhiều nước (1g/ 0,5 lít).
Phân loại sulfamid
Vì tác dụng của sulfamid đều giống nhau và việc điều trị dựa vào dược động học của thuốc cho nên người ta chia các sulfamid làm 4 loại:
– Loại hấp thu nhanh, thải trừ nhanh: nồng độ tối đa trong máu sau khi uống là 2 – 4h. t/2=6-8h, thải trừ 95% trong 24h. Gồm sulfadiazin, sulfisoxazol (Gantrisin) và sulfamethoxazol (Gantazol). Dùng trong điều trị nhiễm khuẩn theo đường máu.
– Loại hấp thu rất ít: dùng chữa viêm ruột và viêm loét đại tràng. Gồm sufaguanidin (Ganidan) và salazosulfapyridin (Salazopyrin).
– Loại thải trừ chậm: do duy trì được nồng độ điều trị trong máu lâu, t/2 có thể tới 7 – 9 ngày nên chỉ cần uống 1 lần ngày. Hiện dùng sulfadoxin (Fanasil) thường phối hợp với pyrimethamin trong Fansidar để dự phòng và điều trị sốt rét kháng cloroquin .
– Loại để dùng tại chỗ: rất ít hoặc khó tan trong nước. Dùng điều trị các vết thương tại chỗ như (mắt, vết bỏng) dưới dạng dung dịch hoặc kem. Có sulfacetamid, silver sulfadiazin và mafenid.
Độc tính của thuốc:
– Tiêu hóa: gây buồn nôn, nôn, tiêu chảy.
– Thận: do sulfamid ít tan và các dẫn xuất acetyl hóa kết tủa trong ống thận gây nên cơn đau bụng thận, đái máu, vô niệu (điều trị, dự phòng bằng uống nhiều nước và base hóa nước tiểu) viêm ống kẽ thận do dị ứng.
– Ngoài da: các biểu hiện dị ứng từ nhẹ đến rất nặng như hội chứn g Stevens- Johnson thường gặp với loại sulfamid chậm.
– Máu: thiếu máu do tan máu (do thiếu G6PD), giảm bạch cầu,tiểu cầu, mất bạch cầu hạt, suy tủy.
– Gan: tranh chấp với bilirubin để gắn vào protein huyết tương, dễ gây vàng da, độc, không được dùng cho phụ nữ có thai và trẻ em mới đẻ.
Không dùng cho người bị suy gan, suy thận, thiếu G 6PD.