Vitamin B2 và những điều cần biết
Vitamin B2 còn có tên là vitamin G .Lactoflavin có tên chung quốc tế là Riboflavin. Đây là loại vitamin tan trong nước thuộc nhóm vitamin B (B1, B2, B3, B5, B6, B9, B12). Vitamin B2 là một tinh thể có màu vàng huỳnh quang, bền vững với nhiệt. Khi tiếp xúc với ánh sáng thì vitamin B2 bị mất đi hoạt tính của nó. Vì thế người ta thường dùng lọ màu nâu để bảo quản vitamin B2. Đó là lý do vì sao những sản phẩm từ sữa luôn được đóng gói trong các hộp giấy hoặc bằng nhựa, chứ không phải trong các bao bì hoặc thiết bị bằng thủy tinh.
Contents
Các loại thực phẩm có chứa Vitamin B2
Trong thiên nhiên, vitamin B2 có trong hầu hết tất cả các tế bào sống. Các loại thực phẩm chúng ta dùng hằng ngày như: ngũ cốc, rau xanh, đậu các loại, thịt, trứng, sữa, tim, thận, gan, lách… đều có chứa vitamin B2 ( tỷ lệ mất đi vitamin B2 khi chế biến thức ăn vào khoảng 15 – 20%). Hàm lượng vitamin B2 có bên trong động vật cao hơn trong thực vật.
Dược động học Vitamin B2 trong cơ thể
Vitamin B12 được hấp thụ chủ yếu ở tá tràng. Khi vào cơ thể nó bị biến đổi thành hai coenzym là FAD (flavin adenin dinucleotid) và FMN (flavin mononucleotid) cần thiết cho sự hô hấp của mô. Coenzym FMN rất cần cho hệ thống vận chuyển điện tử trong cơ thể. Một lượng nhỏ vitamin B2 được tồn trữ ở trong tim, gan, thận, lách dưới dạng các coenzym. Vitamin B2 thải trừ chủ yếu theo đường nước tiểu ( do đó làm cho nước tiểu có màu vàng) và một phần nhỏ được thải trừ theo phân.
Vai trò của Vitamin B2 với cơ thể
Trong cơ thể, vitamin B2 có rất nhiều vai trò quan trọng đó là thành phần quan trọng của các men oxydase; nó trực tiếp tham gia vào các phản ứng ôxy hóa hoàn nguyên; nó khống chế các phản ứng hô hấp chuyển hoá của tế bào; tham gia chuyển hoá các chất: đường, đạm, béo ra năng lượng để cung cấp cho các tế bào hoạt động; nó cũng tác động đến việc hấp thu, tồn trữ và sử dụng sắt trong cơ thể ( nó rất quan trọng trong việc phòng chống thiếu máu do thiếu sắt).
Vitamin B2 được dùng trong các trường hợp thiếu vitamin B2, gây tổn thương ở da, niêm mạc, và cơ quan thị giác… Chưa thấy có tác dụng phụ đối với người dùng vitamin B2. Người ta đã thử nghiệm cho dùng liên tục vitamin B2 trong 10 tháng với liều 120mg/ngày mà chưa thấy tác dụng phụ nào đáng kể.
Thiếu vitamin B2 ở mắt: thường gây ngứa, rát bỏng, sợ ánh sáng và chảy nước mắt. Bệnh viêm bờ mi hoặc loét mi sung huyết mắt, viêm kết mạc kết tụ quanh rìa, viêm giác mạc chấm nông hoặc viêm kết, giác mạc bong. Có thể dẫn đến hoại tử và loét sâu (không do vi khuẩn ), bệnh quáng gà, bệnh đục nhân mắt. Đáy mắt đôi khi có phù gai thị, làm chảy máu võng mạc.
Thiếu vitamin B2 ở toàn thân: Có thể dẫn đến mệt mỏi, làm giảm khả năng làm việc, làm vết thương lâu lành, thiếu máu, làm rối loạn chức năng ruột, ăn không tiêu, gây viêm ruột kết mạn tính, làm suy gan, viêm gan cấp; phát ban, ngứa toàn thân và bong vảy.
Nguyên nhân gây thiếu hụt vitamin B2
– Do chế độ ăn uống không đủ vitamin B2.
– Do cơ thể kém hấp thu vitamin B2.
– Do lượng đạm trong thức ăn giảm (làm tăng thải trừ vitamin B2 trong cơ thể). Người nghiện rượu ( gây cản trở hấp thu vitamin B2 ở ruột).
– Do thiếu các vitamin nhóm B khác.
– Sử dụng một số thuốc gây thiếu hụt vitamin B2 ví dụ như: chlorpromazin, imipramin, amitriptylin, adriamycin, probenecid…
– Khi cơ thể bị nhiễm khuẩn, sốt, tiêu chảy, bỏng
– Bị chấn thương nặng, cắt bỏ dạ dày, stress, bệnh gan, ung thư, khi trẻ em có lượng bilirubin trong máu cao.