Thải trừ thuốc
Thuốc được thải trừ dưới dạng nguyên chất hoặc dưới dạng đã bị chuyển hóa.
Thải trừ qua thận: Đây là đường thải trừ quan trọng nhất của các thuốc tan trong nước, có trọng lượng phân tử nhỏ hơn 300.
Contents
Quá trình thải trừ
Quá trình Lọc thụ động qua cầu thận: dạng thuốc tự do, không gắn vào protein huyết tương.
Quá trình bài tiết tích cực xảy ra chủ yếu ở ống lượn gần, có 2 hệ vận chuyển khác nhau, một hệ cho các anion (các acid carboxylic như penicilin, các chất glucuro – và sulfo- hợp), và một hệ cho các cation (các base hữu cơ như morphin, thiamin).
Quá trình Khuếch tán thụ động qua ống thận: một phần thuốc đã thải trừ trong nước tiểu ban đầu lại được tái hấp thu vào máu, các thuốc tan trong lipid, không bị ion hóa ở pH nước tiểu (pH = 5 -6) như phenobarbital, salicylat. Các base yếu không được tái hấp thu.
Quá trình này xẩy ra ở ống lượn gần và cả ở ống lượn xa do bậc thang nồng độ được tạo ra trong quá trình tái hấp thu nước cùng Na+ và các ion vô cơ khác. Quá trình tái hấp thu thụ động tại đây phụ thuộc nhiều vào pH nước tiểu. Khi base hóa nước tiểu, thì các acid yếu như: acid barbituric sẽ bị thải trừ nhanh hơn vì bị ion hóa nhiều nên tái hấp thu giảm. Ngược lại, khi acid hóa nước tiểu nhiều hơn thì các base sẽ bị thải trừ nhiều hơn. Điều này được ứng dụng trong điều trị nhiễm độc thuốc.
Ý nghĩa trong lâm sàng
Làm giảm thải trừ để tiết kiệm thuốc như penicilin và probenecid là hai thuốc có chung hệ vận chuyển tại ống thận. Thận thải probenecid (ít tác dụng điều trị) và giữ lại penicilin ( có tác dụng điều trị).
Làm tăng thải trừ thuốc để điều trị nhiễm độc: base hóa nước tiểu, làm tăng độ ion hóa của phenobarbital, tăng thải trừ khi bị nhiễm độc phenobarbital do tự tử hoặc bị đầu độc.
Trong trường hợp suy thận, cần giảm liều thuốc dùng
Thải trừ thuốc qua mật
Sau khi chuyển hóa ở gan, các chất chuyển hóa sẽ thải trừ qua một phần qua mật để theo phân ra ngoài. Phần lớn sau khi bị chuyển hóa thêm ở ruột thuốc sẽ được tái hấp thu vào máu để thải trừ qua thận.
Một số hợp chất chuyển hóa glucuronid của thuốc có trọng lượng phân tử trên 300 sau khi thải trừ qua mật xuống ruột có thể bị thuỷ phân bởi enzym glucuronidase rồi lại được tái hấp thu về gan theo đường tĩnh mạch gánh để lại vào vòng tuần hoàn, được gọi là thuốc có chu kỳ gan-ruột. Những thuốc này tích luỹ trong cơ thể, làm kéo dài tác dụng ( tetracyclin, digitalis trợ tim…).
Thải trừ qua phổi
Các chất bay hơi như rượu, tinh dầu: menthol
Các chất khí: protoxyd nitơ, halothan
Thải trừ qua sữa mẹ
Các chất tan mạnh trong lipid (barbiturat, chống viêm phi steroid, tetracyclin), có trọng lượng phân tử dưới 200 thường dễ dàng thải trừ qua sữa. sữa có pH hơi acid hơn huyết tương nên các thuốc là base yếu có thể có nồng độ trong sữa hơi cao hơn huyết tương và các thuốc là acid yếu thì có nồng độ thấp hơn.
Thải trừ qua các đường khác
Thuốc có thể còn được thải trừ qua mồ hôi, qua nước mắt, qua tế bào sừng (lông, tóc, móng) và tuyến nước bọt và gây tác dụng không mong muốn (diphenyl hydantoin gây tăng sản lợi khi bị bài tiết qua nước bọt) . Hoặc dùng phát hiện chất độc (có giá trị về mặt pháp y).