Những xét nghiệm cần thực hiện để chẩn đoán bệnh cường giáp.
Cường giáp là tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mức dẫ đến sản xuất hormone giáp nhiều hơn bình thường. Hậu quả làm gia tăng nồng độ hormone lưu hành trong máu, gây ra những tổn hại về mô và chuyển hoá. Cần chẩn đoán bệnh này dựa vào các dấu hiệu gi?
Các xét nghiệm cận lâm sàng.
1.1.1 Xét nghiệm miễn dịch
Hiện diện trong máu bệnh nhân một số kháng thể chống lại tuyến giáp như: kháng thể kích thích thụ thể TSH chiếm 90-100% bệnh nhân basedow chưa điều trị, kháng thể kháng thyroglobulin…
1.1.2 Xét nghiệm đánh giá chức năng tuyến giáp
Gia tăng nồng độ hormone tuyến giáp trong huyết tương
– T3 tăng (bình thường: 1,5-2,9nmol/l)
– FT3 tăng (bình thường: 3- 8 pmol/l).
– T4 tăng (bình thường: 64 – 154 nmol/l).
– FT4 tăng (bình thường: 12 – 26 pmol/l).
– Tỷ lệ T3/T4 > 20 (đánh giá bệnh tiến triển).
– TSH giảm (bình thường: 0,5 – 4,5 U/ml).
– Độ tập trung I131 tại tuyến giáp sau 24h tăng cao hơn bình thường.
1.1.3 Xét nghiệm hình thái và cấu trúc tuyến giáp
– Siêu âm tuyến giáp: có thể thấy hình ảnh tuyến giáp phì đại, eo tuyến dày, cấu trúc đồng nhất, giảm âm như trong viêm tuyến giáp. Siêu âm Doppler năng lượng có thể nhìn thấy hình ảnh tuyến giáp không đồng nhất với các mạch máu giãn trong tuyến giáp.
– Xạ hình tuyến giáp: chất phóng xạ tập trung đồng đều toàn bộ hai thuỳ tuyến giáp – tuyến giáp phì đại giúp phân biệt các thương tổn của các bệnh lý cường tuyến giáp khác: bướu giáp độc đa nhân, viêm tuyến giáp…
1.1.4 Chụp Xquang xương đầu chi: màng xương dày.
2. Chẩn đoán
2.1 Chẩn đoán xác định
– Lâm sàng: có hội chứng cường giáp. Nếu có triệu chứng lâm sàng của nhiễm độc giáp và có ít nhất 1 trong 3 triệu chứng bướu mạch, lồi mắt và phù niêm trước xương chày thì cho phép chẩn đoán xác định Basedow mà có thể không cần làm thêm xét nghiệm.
– Xét nghiệm: TSH giảm, thường < 0,05 IU/L (bình thường 0,3-5 IU/l); FT4 và FT3 tăng cao (bình thường FT4 = 12 -25 pmol/l).
– Nồng độ kháng thể TRAb (kháng thể kháng tuyến giáp) tăng > 1,5 U/L.
– Xạ hình tuyến giáp: tăng bắt giữ iod phóng xạ.
2.2 Chẩn đoán phân biệt
– Nhiễm độc giáp do bệnh nhân uống L-thyroxin: dựa vào tiền sử bệnh, TRAb bình thường, độ tập trung I131 thấp, bệnh nhân sẽ hết nhiễm độc giáp sau khi ngừng L-thyroxin vài tuần.
– Viêm tuyến giáp bán cấp hoặc viêm tuyến giáp mạn tính giai đoạn đầu, có nhiễm độc giáp, Anti-TPO cao trong viêm tuyến giáp mạn tính, độ tập trung I131 thấp, thường tiến triển về bình giáp hoặc suy giáp sau vài tuần đến vài tháng.
– Bướu cổ đơn thuần có cường giao cảm: xét nghiệm thấy FT4, TSH, TRAb bình thường.
2.3 Các thể lâm sàng
2.3.1 Thể điển hình: gặp ở phụ nữ trẻ với đầy đủ các dấu hiệu lâm sàng như trên.
2.3.2 Thể triệu chứng: ưu thế ở một số cơ quan
– Biểu hiện ở tim: rối loạn nhịp tim, nhịp nhanh kịch phát trên thất, cuồng nhĩ, rung nhĩ (hay gặp nhất). Bệnh thường xảy ra ở bệnh nhân lớn tuổi hoặc có bệnh tim mạch từ trước.
– Biểu hiện thần kinh: liên quan tới thần kinh trung ương với hội chứng tháp gồm tăng phản xạ gân xương, dấu hiệu Babinski. Liên quan tới thần kinh ngoại biên với giảm vận động hai chi dưới, giảm phản xạ gân xương, teo cơ.
– Biểu hiện cơ: có biểu hiện đa dạng với teo cơ, liệt có chu kỳ, xảy ra nhiều ở nam giới độ tuổi 30 -50. Tỷ lệ nhược cơ nặng ở bệnh nhân basedow gấp 10 – 100 lần so với người bình thường.
– Biểu hiện ở xương: tăng calci, phosphate niệu, calci máu, phosphor máu và phosphatase kiềm bình thường hoặc tăng nhẹ.
– Biểu hiện tiêu hoá: tổn thương gan với vàng da, gan to, bilirubin máu tăng.
– Biểu hiện huyết học:
+ Xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn.
+ Thiếu máu hồng cầu nhỏ.
– Basedow và tăng cân: gặp ở bệnh nhân ăn nhiều.
2.3.3 Thể liên quan đến nguyên nhân
– Suy vỏ thượng thận và basedow.
– Đái tháo đường và basedow.
2.3.4 Các thể sinh học
– Tăng T3 chủ yếu: thường gặp ở vùng thiếu iod.
– Tăng T4 chủ yếu: ưu thế tiết T4 hoặc ức chế T4 chuyển thành T3.
2.3.5 Các thể tiến triển
– Thể điển hình: trở về bình giáp sau điều trị.
– Thể thoái triển tự phát: chiếm 10 – 20%.
– Thể cấp và bán cấp: trong thể bán cấp thường phối hợp với dấu hiệu gầy nhiều, tiêu chảy, rối loạn nhịp tim, sốt, biểu hiện tâm thần.
– Thể vô cảm: thường gặp ở người lớn tuổi, bệnh cảnh trội về yếu cơ, liệt, chán ăn và rối loạn nuốt. Thường chẩn đoán khó.