Những điều cần biết về thuốc tránh thai
Trong nửa đầu của chu kỳ kinh nguyệt, dưới tác dụng của hormon giải phóng FSH (FSH – RH) của vùng dưới đồi, tuyến yên bài tiết ra FSH, làm cho nang trứng trưởng thành, tiết foliculin (oestrogen). Sau đó, vùng dưới đồi tiết ra hormon giải phóng LH (LH – RH), làm tuyến yên bài tiết ra LH, đến ngày thứ 14, khi FSH/LH đạt được tỷ lệ thích hợp thì buồng trứng sẽ phóng noãn. Nếu gặp tinh trùng, trứng sẽ được thụ tinh và làm tổ.
Contents
Các loại thuốc tránh thai chính
Thuốc tránh thai loại phối hợp
Phối hợp oestrogen với progesteron tổng hợp. Những loại thuốc này đều dùng estrogen là ethinylestradiol. Những thuốc có chứa 50 µg ethinyl estradiol đều được gọi là “chuẩn” (“standard”) để phân biệt với thuốc “liều thấp” (“minidosage”) chỉ chứa ethinyl 30 – 40 µg estradiol. Hàm lượng ,bản chất của progesteron phối hợp thì thay đổi theo từng loại, phần lớn là 19 nortestosteron.
Ngoài ra còn phân biệt loại 1 pha (monophasic pills) là loại có hàm lượng hormon không thay đổi trong suốt chu kỳ kinh, và loại 2 và 3 pha (diphasic, triphasic pills) có hàm lượng progesteron tăng dần trong khi hàm lượng estrogen không thay đổi hoặc hơi tăng vào giữa chu kỳ kinh. Loại 2 pha hoặc 3 pha có tổng lượng progesteron thấp hơn loại 1 pha.
Ngoài ra còn có thuốc tránh thai khẩn cấp.
Cơ chế tác dụng của thuốc
Tác dụng lên trung ương: theo cơ chế điều hòa ngược , estrogen ức chế bài tiết FSH-RH và LH- RH, tuyến yên sẽ giảm tiết ra FSH và LH, do đó không đạt được nồng độ và tỷ lệ thích hợp cho sự phóng noãn, các nang bào sẽ kém phát triển.
Tác dụng ngoại biên: thuốc làm thay đổi dịch nhày của cổ tử cung, làm tinh trùng khó hoạt động, đồng thời làm niêm mạc nội mạc tử cung kém phát triển, khiến trứng không làm tổ được.
Tác dụng của estrogen với liều từ 50 – 100 µg cho từ ngày thứ 5 của chu lỳ kinh là đủ để ức chế phóng noãn. Trên buồng trứng, làm ngừng phát triển nang trứng: trên nội mạc tử cung, làm quá sản niêm mạc cho nên đây là nguyên nhân của rong kinh: trên tử cung làm tăng tiết các tuyến, trên âm đạo làm dày thành và tróc vẩy. Những thay đổi này làm dễ nhiễm nấm candida và trichomonas.
Tác dụng của progesteron: trên buồng trứng làm ngừng phát triển, giảm thể tích trên nội mạc tử cung, làm teo, tử cung mềm, làm dịch tiết nhầy hơn, khiến tinh trùng khó chuyển động. Gây mọc nhiều lông, tăng cân.
Do những bất lợi của từng hormon, nên thường sử dụng phối hợp hai thứ cùng một lúc, hoặc nối tiếp nhau, cả hai hormon đều được giảm liều. Sự phối hợp đảm bảo cho tử cung và âm đạo ít thay đổi so với bình thường.
Sau khi ngừng thuốc, chu kỳ bình thường trở lại tới 98% trường hợp.
Các tác dụng dược lý của thuốc.
Trên buồng trứng: thuốc ức chế chức phận của buồng trứng, làm nang trứng không phát triển và khi dùng lâu khiến buồng trứng nhỏ dần.
Sau khi ngừng dùng thuốc, khoảng 75% sẽ phóng noãn trong chu kỳ đầu và 97% trong chu kỳ thứ 3, khoảng 2% vẫn giữ vô kinh sau vài năm.
Trên tử cung: sau thời gian dài dùng thuốc có thể quá sản tử cung và hình thành polyp.
Các thuốc có chứa “19 nor” progestin và ít estrogen sẽ làm teo tuyến nhiều hơn, thường ít chảy máu hơn.
Trên vú: thuốc chứa estrogen thường gây kích thích vú, nở vú.
Trên máu: đã xảy ra huyết khối tắc mạch do tăng các yếu tố đông máu II, VII, IX, X. Làm giảm antithrombin III.
Nhiều người bị thiếu hụt acid folic.
Trên chuyển hóa lipid: estrogen làm tăng lượng triglycerid, tăng cholesterol este hóa và cholesterol tự do, tăng phospholipid, tăng HDl, LDL lại thường giảm.
Chuyển hóa đường: giống như những người mang thai, giảm hấp thu đường qua tiêu hóa.
Da: làm tăng sắc tố da đôi khi tăng cả bã nhờn, trứng cá (do progestin). Tuy nhiên, vì androgen của buồng trứng giảm nên nhiều người lại giảm bã nhờn, trứng cá và phát triển tóc.
Tác dụng không mong muốn của thuốc tránh thai
Nhẹ
Buồn nôn, đau nhức vú, kinh nhiều, phù do estrogen trong thuốc. Nên thay thuốc có ít estrogen hơn hoặc thuốc nhiều progesteron.
Nhức đầu nhẹ thường thoáng qua đôi khi có migren.
Vô kinh đôi khi thường xảy ra, làm nhầm lẫn với việc có thai
Tăng cân nặng
Da sẫm màu: khoảng 5% sau một năm và 40% sau 8 năm sử dụng thuốc.
Thiếu vitamin B càng làm tăng màu da và phục hồi chậm khi ngừng thuốc.
Trứng cá: với chế phẩm có chứa nhiều androgen.
Rậm lông: với chế phẩm có 19 nortestosteron.
Nhiễm khuẩn đường âm đạo: thường gặp, khó điều trị.
Vô kinh: thường ít gặp, 95% phục hồi sau ngừng thuốc.
Nặng
Huyết khối tắc mạch và viêm tắc tĩnh mạch: khoảng 1/1000
Nhồi máu cơ tim: dễ gặp ở những người béo có tiền sử bị tiền sản giật tăng huyết áp, tăng lipid máu, đái tháo đường, hút thuốc. Tai biến thường giảm đi ở người dùng thuốc không liên tục.
Bệnh mạch não: dễ gặp ở những người trên 35 tuổi với tỷ lệ 37 ca/ 100.000 người/ năm.
Trầm cảm, thì phải ngừng thuốc khoảng 6%.
Ung thư: hiện chưa có mối liên quan với dùng thuốc.
Xem thêm: Top 5 biện pháp tránh thai dễ gây vô sinh nhất hiện nay.
Chống chỉ định của thuốc
Cao huyết áp, các bệnh về máu (như viêm tắc mạch), viêm gan, ung thư vú, ung thư tử cung, đái tháo đường, phụ nữ trên 40 tuổi (do dẽ có tai biến về mạch máu)