Dược động học của thuốc
Contents
Thuốc vào cơ thể như thế nào?
Để một thuốc có tác dụng trong cơ thể phải trải qua nhiều quá trình. Khi vào trong cơ thể thuốc được cơ thể tiếp nhận như thế nào và cơ thể phản ứng ra sao dưới tác dụng của thuốc. Sự tác động của qua lại giữa thuốc và cơ thể đã giúp dược lí học chia thành hai phần rõ rệt là dược động học, và dược lực học. Dược động học nghiên cứu về sự tiếp nhận của cơ thể đối với thuốc. đó là động học của sự hấp thu, phân bố, chuyển hóa, thải trừ. Nắm rõ kiến thức về lĩnh vực này sẽ giúp cho các thầy thuốc trong sử dụng thuốc và hướng dẫn sử dụng thuốc hợp lí an toàn.
Quá trình hấp thu thuốc
Là sự xâm nhập của thuốc vào vòng tuần hoàn chung của cơ thể. Để có thể xâm nhập vào vòng tuần hoàn chung, phân bố đến các tổ chức và chuyển hóa thải trừ thuốc phải vượt qua các màng sinh học của các tổ chức khác nhau theo các phương thức vận chuyển khác nhau. Có nhiều con đường dẫn thuốc qua màng sinh học như: khuếch tán thụ động, khuếch tán thuận lợi, vận chuyển tích cực và lọc. Thuốc được hấp thu qua niêm mạc miệng, niêm mạc dạ dày, niêm mạc ruột non, niêm mạc ruột già, qua đường tiêm dưới da, tiêm bắp thịt và tiêm tĩnh mạch, đường hô hấp và một số đường khác.
Quá trình phân bố thuốc
Sau khi hấp thu vào máu thuốc có thể tồn tại dưới dạng tự do, một phần liên kết với protein huyết tương hoặc một số tế bào máu, ngoài ra đối với một số ít thuốc có thể một phần bị thủy phân ngay trong máu. Từ máu thuốc được vận chuyển đến các tổ chức khác nhau của cơ thể.
Quá trình chuyển hóa thuốc
Hay còn gọi là sinh chuyển hóa là quá trình biến đổi của thuốc trong cơ thể dưới ảnh hưởng của enzym tạo nên những chất ít nhiều khác với chất mẹ được gọi là chất chuyển hóa. Có một số chất sau khi vào cơ thể không bị biến đổi được thải trừ nguyên vẹn như các chất vô cơ thân nước, Strychnin, các kháng sinh nhóm aminoglycosid… còn phần lớn các thuốc đều được chuyển hóa trước khi thải trừ.
Chuyển hóa thuốc có thể xảy ra ở các tổ chức khác nhau như thận, gan, phổi, lách, máu.. nhưng chủ yếu là xảy ra ở gan. Bản chất của quá trình này là sự biến đổi thuốc trong cơ thể từ không phân cực thành phân cực hoặc từ phâ cực yếu thành phân cực mạnh để dễ đào thải. Những phản ứng chuyển hóa thuốc được chia thành hai phase: phase I gồm các phản ứng oxy hóa khử, thủy phân. Phase II gồm các phản ứng liên kết giữa thuốc hoặc sản phẩm chuyển hóa của thuốc với một số chất nội sinh.
Thuốc thải trừ khỏi cơ thể ra sao
Quá trình cuối cùng của thuốc trong cơ thể là thải trừ. Thuốc được thải trừ nguyên dạng hoặc dưới dạng đã chuyển hóa và trong quá trình thải trừ vẫn có thể gây độc. Tất cả các đường thải trừ của thuốc đều là đường tự nhiên như htải trừ qua da, mồ hôi, thận, tiêu hóa, hô hấp…Một thuốc có thể được thải trừ đồng thời qua nhiều đường khác nhau nhưng thông thường mỗi thuốc có con đường thải trừ chủ yếu của mình tùy thuộc vào cấu trúc hóa học, tính chất lí hóa của thuốc, dạng bào chế và đường dùng.
Dược động học của một thuốc thể hiện đường đi của thuốc từ khi bắt đầu được hấp thu đến khi thải trừ ra khỏi cơ thể. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quá trình dược động học nên cũng ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị của thuốc. Nghiên cứu dược động học sẽ trở thành cẩm nang giúp cho bác si, dược sĩ điều trị tốt cho bệnh nhân.