Điều trị bệnh lý hẹp van hai lá như thế nào?
Bệnh lí hẹp van hai lá là một bệnh đáng lo ngại. Vậy điều trị bệnh lí hẹp van hai lá này như thế nào?
1.1. Nội khoa
– Nguyên nhân hàng đầu của hẹp van hai lá là do thấp tim, vì thế cần điều trị phòng thấp thứ phát. Nếu bệnh nhân không có triệu chứng cơ năng thì chỉ cần điều trị kháng sinh dự phòng viêm nội tâm mạc nhất là khi có kèm theo hở van hai lá hoặc van ĐMC.
– Bệnh nhân có khó thở khi gắng sức nhẹ: dùng thuốc lợi tiểu, hạn chế muối ăn, có thể cho thêm thuốc chẹn bêta giao cảm liều thấp.
– Bệnh nhân hẹp hai lá mức độ vừa trở lên cần tránh các gắng sức bất thường. Điều trị thuốc chẹn β giao cảm (tác dụng giảm đáp ứng tăng nhịp tim khi gắng sức) sẽ tăng được khả năng gắng sức.
– Phù phổi cấp có thể xảy ra đột ngột ở bệnh nhân hẹp hai lá nặng không có triệu chứng cơ năng từ trước, nhất là khi mới xuất hiện cơn rung nhĩ nhanh, có thể dẫn tới tử vong, vì thế bệnh nhân cần được tuyên truyền để tới các cơ sở y tế gần nhất ngay khi mới xuất hiện khó thở nhiều, đột ngột.
– Khi có biến chứng rung nhĩ: dùng thuốc chống đông và khống chế tần số thất bằng các thuốc như digoxin,; chẹn kênh canxi hay chẹn bêta giao cảm; amiodarone. Nếu tình trạng huyết động không ổn định, sốc điện chuyển nhịp cấp cứu được chỉ định, phối hợp với heparin dùng trước, trong và sau thủ thuật.
1.2. Nong van hai lá
– Hiện nay, nong van hai lá qua da (NVHL) là phương pháp hàng đầu được lựa chọn để điều trị cho các bệnh nhân HHL trên toàn thế giới và đây là thủ thuật chiếm vị trí thứ 2 (về số lượng cũng như ý nghĩa) trong can thiệp tim mạch.
– Chỉ định NVHL khi:
+ HHL khít (diện tích lỗ van trên siêu âm < 1,5 cm2) và có triệu chứng cơ năng trên lâm sàng (NYHA ≥ 2);
+ Hình thái van trên siêu âm tốt cho NVHL, dựa theo thang điểm của Wilkins: bệnh nhân có tổng số điểm ≤ 8 có kết quả tốt nhất;
+ Không có huyết khối trong nhĩ trái trên siêu âm qua thành ngực (hoặc tốt hơn là trên siêu âm qua thực quản);
+ Không có hở hai lá hoặc hở van động mạch chủ mức độ vừa-nhiều kèm theo (> 2/4) và chưa ảnh hưởng đến chức năng thất trái.
– Biến chứng do nong VHL: Tử vong (< 1%) thường do biến chứng ép tim cấp hoặc tai biến mạch não; Ép tim cấp do chọc vách liên nhĩ không chính xác gây thủng thành nhĩ hoặc do thủng thất khi NVHL bằng bóng/dụng cụ kim loại (< 1%); HoHL luôn là biến chứng thường gặp nhất; Tắc mạch đặc biệt là tắc mạch não (< 1%); Còn tồn lưu thông liên nhĩ: phần lớn lỗ thông này tự đóng trong vòng 6 tháng; những trường hợp còn tồn lưu (10%) thì lỗ nhỏ, shunt bé và dung nạp tốt.
1.3. Ngoại khoa
– Mổ tách van tim kín: là biện pháp dùng một dụng cụ tách van hoặc nong van bằng tay qua đường mở nhĩ, thông qua đường mở ngực (không cần tuần hoàn ngoài cơ thể). Hiện tại phương pháp này hầu như không được dùng vì đã có nong van hai lá bằng bóng qua da hoặc phẫu thuật tim mở.
– Thay van 2 lá: bằng van sinh học hoặc van cơ học trong trường hợp hư biến tổ chức dưới van và calci hóa nặng.
Chỉ định phẫu thuật sửa/thay van hai lá ở bệnh nhân hẹp van hai lá (ưu tiên phẫu thuật sửa van hai lá nếu có thể được) trong các trường hợp hẹp van hai lá mức độ vừa-khít khi:
+ Có triệu chứng cơ năng (NYHA III-IV) nhưng: không tiến hành được nong van hai lá; chống chỉ định nong van do huyết khối nhĩ trái dù đã điều trị chống đông lâu dài hoặc có kèm hở hai lá mức độ từ vừa-nhiều; hình thái van hai lá không lý tưởng để nong van bằng bóng trong khi nguy cơ phẫu thuật ở mức chấp nhận được;
+ Có triệu chứng cơ năng nhẹ (NYHA I-II), nhưng áp lực động mạch phổi tăng cao > 60mmHg, hình thái van không phù hợp để nong van bằng bóng;
+ Không có triệu chứng cơ năng, nhưng tái phát các biến cố tắc mạch dù đã điều trị chống đông nên mổ sửa van nếu hình thái van phù hợp.
Không chỉ định phẫu thuật thay/sửa van ở những bệnh nhân hẹp hai lá nhẹ. Không còn chỉ định phẫu thuật tách van tim kín ở bệnh nhân hẹp hai lá.