Bệnh basedow là căn bệnh như thế nào ?
1, Định nghĩa.
Cường giáp là tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mức dẫn đến sản xuất hormone giáp nhiều hơn bình thường. Hậu quả làm gia tăng nồng độ hormone lưu hành trong máu, gây ra những tổn hại về mô và chuyển hoá.
Basedow là một trong những bệnh cường chức năng tuyến giáp tiên phát thường gặp trên lâm sàng, chiếm tỷ lệ 60 – 90% các trường hợp nhiễm độc giáp.
Bệnh basedow mang nhiều tên gọi khác nhau: bệnh Graves, bệnh parry, bướu giáp độc lan toả, bệnh cường giáp tự miễn. Basedow đã được Charles de Sanit Yves (1722) ghi nhận đầu tiên ở bệnh nhân có biểu hiện lồi mắt. Sau đó Caleb Parry(1825), rồi Robert J.Graves (1835) mô tả bệnh lý liên quan giữa tuyến giáp và tổn thương mắt. Carl Von Basedow (1840) đã hệ thống hoá bệnh một cách hoàn chỉnh, vì vậy sau này bệnh được đặt tên là Basedow. Basedow biểu hiện bằng hội chứng nhiễm độc giáp kèm bướu giáp lớn lan toả, lồi mắt và tổn thương ở ngoại biên.
Nhờ sự tiến bộ của miễn dịch học, ngày càng nhiều kháng thể hiện diện trong huyết tương người bệnh được phát hiện, vì thế hiện nay bệnh được xếp vào nhóm bệnh có cơ chế tự miễn.
Đây lần bệnh nội tiết thường gặp trong các bệnh nội tiết chuyển hoá, chiếm tỷ lệ 45,8% trong các bệnh nhân nằm điều trị tại khoa nội tiết bệnh viện Bạch Mai. Tại Mỹ, tần suất bệnh hằng năm là 30/100.000 dân, trong đó phụ nữ thời kỳ sinh sản tỷ lệ là 1/500. Tại Anh, hằng năm có 100-200/100.000 dân, tỷ lệ bệnh ở phụ nữ là 80/100.000.
2 Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh
2.1 Nguyên nhân
Nhiều nghiên cứu ghi nhận có một số yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh basedow:
– Bệnh chiếm ưu thế ở phụ nữ, độ tuổi thường gặp 20 – 40 tuổi, nữ gặp nhiều hơn nam (nữ chiếm khoảng 80-90%).
– Chủng tộc: người da trắng và châu Á có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người da đen.
– Stress: thường xảy ra khoảng trước 12 tháng trước khi khởi bệnh.
– Di truyền: bệnh có bản chất di truyền với 15% bệnh nhân có người than mắc bệnh tương tự và khoảng 50% người than của bệnh nhân có tự kháng thể kháng giáp trong máu. Người có HLA B8, DR3, HLA BW 46, B5 và HLA B17 dễ bị mắc bệnh.
– Nhiễm khuẩn: thường gặp nhiễm trùng Y.Enterrocolitica và nhiễm virut như rubella.
– Thai nghén: bệnh khởi phát sau giai đoạn hậu sản trung bình sau sinh 12 tháng.
– Iod, cordaron hoặc các chất cản quang chứa iod có thể khởi phát bệnh.
– Ngừng glucocorticoid đột ngột….
2.2 Bệnh sinh
Cho đến nay, bệnh basedow vẫn được xem là bệnh lý tự miễn qua trung gian lympho B và lympho T. Dưới tác động của các yếu tố môi trường có thể gây ra sự khiếm khuyết của tế bào lympho T ức chế (Ts), cho phép các tế bào lympho T hỗ trợ (Th) kích thích tế bào lympho B tổng hợp các kháng thể chống lại tuyến giáp. Hậu quả là tuyến giáp bị kích thích liên tục bởi kháng thể và TSH tuyến yên bị ức chế do gia tăng nồng độ hormone tuyến giáp trong máu. Như vậy, tăng tiết hormone tuyến giáp là nguyên nhân cơ bản trong cơ chế bệnh sinh bệnh basedow.Người ta đã xác nhận, ở những bệnh nhân này có sự tăng cao nồng độ T3 có tính sinh vật mạnh hơn vài lần so với thyroxin (T4).