Triệu chứng gãy thân xương đùi
Gãy thân xương đùi (GTXĐ) là gãy đoạn giới hạn ở dưới khối mấu chuyển và trên khối lồi cầu xương đùi.
Gặp ở mọi lứa tuổi và thường do các chấn thương mạnh gây nên.
Xương đùi là một xương lớn và dài nhất cơ thể, có nhiều cơ to khỏe bao bọc, khi gãy thường chảy nhiều máu (trung bình 1lít máu), di lệch nhiều gây đau đớn vì vậy GTXĐ dễ gây ra sốc.
Contents
NGUYÊN NHÂN, GIẢI PHẪU BỆNH
1. NGUYÊN NHÂN
Gãy Xương Đùi thường do các chấn thương mạnh gây nên:
– Gián Tiếp: ngã cao chống chân xuống đất, gập xoay đùi quá mức
– Trực Tiếp: lực mạnh trực tiếp tác động vào đùi như sập hầm, cây đổ, bánh xe cán qua đùi,..
– Gặp trong thai nhi và khi đẻ do phải can thiệp thủ thuật như xoay thai, kéo thai
2. GIẢI PHẪU BỆNH
2.1. Các thương tổn ở xương
* Đường gãy:
– Đường gãy ngang, chéo, xoắn, gãy làm 3 đoạn, gãy có nhiều mảnh.
* Di lệch:
– Ngắn chi do các đoạn gãy chồng lên nhau
– Lệch trục do đoạn gãy ngoại vi xoay ra ngoài
– Gập góc: thường có gập góc điển hình
Gãy 1/3 trên có góc mở ra sau, vào trong do khối cơ mông khỏe kéo vểnh đoạn trung tâm ra ngoài và ra trước, khối cơ khép kéo mạnh đoạn ngoại vi vào trong gây nên gấp góc nhiều.
Gãy 1/3 giữa có góc mở vào trong do ở đoạn trung tâm bị cơ mông và cơ thắt lưng chậu kéo vểnh ra ngoài và ra trước, còn đoạn ngoại vi bị cơ khép kéo vào trong. Khối cơ đùi ở đây khỏe cho nên co kéo nhiều làm cho di lệch gây ngắn chi rất nhiều (có khi ngắn 5 – 10 cm).
Gãy 1/3 dưới có góc mở ra ngoài, ra trước do đoạn gãy trung tâm bị các cơ khép kéo ra trước và vào trong, đoạn ngoại vi bị kéo gục ra sau do tác động của các cơ sinh đôi, có nguy cơ tổn thương bó mạch thần kinh vùng khoeo.
Ngoài ra gãy thân xương đùi ở trẻ em còn có thể bong sụn tiếp hợp làm rối loạn sự phát triển xương ở trẻ em, gây nên chân dài, chân ngắn sau này.
2.2. Tổn thương phần mềm:
– Trong gãy kín cơ thường bị bầm dập, rách, mạch và thần kinh có thể bị đứt do đầu xương sắc nhọn chọc vào
3. TRIỆU CHỨNG
3.1. GÃY CÓ DI LỆCH
3.1.1. Toàn thân có thể có dấu hiệu sốc chấn thương do đau và mất máu: mặt nhợt nhạt, vã mồ hôi, mạch nhanh, huyết áp tụt
3.1.2. Cơ năng
– Đau nhiều, mất cơ năng hoàn toàn chân tổn thương
3.1.3. Thực thể
– Đùi sưng to nhanh, ngắn chi, gập góc điển hình
– Cạnh ngoài bàn chân, đầu gối xoay đổ ra ngoài, dựa vào mặt giường
– Tràn dịch khớp gối (vì kích thích bao hoạt dịch), bầm tím ở vùng thấp xuất hiện muộn
– Do nguy cơ sốc, tuyệt đối không tìm cử động bất thường và lạo xạo xương gãy
– Sau hết, tìm các biến chứng mạch và thần kinh (bắt mạch chày trước, chày sau và khám vận động bàn chân, cổ chân)
3.1.4. XQ
– Sau khi cố định tạm thời và chống sốc, BN ổn định mới được chuyển đi chụp chiếu
– Phim thẳng, nghiêng cho thấy vị trí đường gãy, di lệch, tổn thương phối hợp đầu trên và dưới xương đùi.
– Phim Telegraphie (bóng đèn chiếu tia X cách xương khoảng 1,5m) cho thấy kích thước thật của ống tủy để chọn ĐNT
3.2. GÃY ÍT HOẶC KHÔNG DI LỆCH
Thường gặp ở trẻ em, triệu chứng lâm sàng không điển hình: giảm cơ năng chân tổn thương, sưng nề đùi tổn thương, ấn có điểm đau chói, tràn dịch khớp gối, cần có XQ để chẩn đoán xác định.