Điều trị bệnh đái tháo đường
Ở Việt Nam, bệnh đái tháo đường đang là 1 căn bệnh đáng lo ngại. Tỷ lệ mắc đái tháo đường ở người lớn chiếm khoảng 4% vào năm 1995, dự kiến tăng lên 5,4% vào năm 2025.
Ở Việt Nam, tỷ lệ đái tháo đường khác nhau ở các vùng miền:
+ Hà Nội: 1,1% (1991, Phan Sỹ Quốc, Lê Huy Hiệu và CS).
+ Huế: 0,96% (1992, Trần Hữu Dàng, Lê Văn Chi và CS).
+ TP.Hồ Chí Minh: 2,52% (1993, Mai Thế Trạch và CS).
Các nghiên cứu trên đã hơn 10 năm, tỷ lệ mắc đái tháo đường hiện nay khoảng 3,5% trên toàn quốc, riêng tại các thành phố tỷ lệ hiện mắc là 5,5%.
Điều trị bệnh tiểu đường như thế nào?
Contents
1. Mục tiêu điều trị bệnh đái tháo đường.
– Giảm các triệu chứng lâm sàng, ngăn ngừa các biến chứng.
– Tăng cân ở bệnh nhân đái tháo đường týp 1, giảm cân ở bệnh nhân đái tháo đường týp 2 có béo phì.
– Mục tiêu kiểm soát đường huyết theo hội đái tháo đường Mỹ (ADA) năm 2010: Đưa đường huyết về mục tiêu với cả đái tháo đường týp 1 và đái tháo đường týp 2: đường huyết lúc đói: 3,9 – 7,2 mmol/l; đường huyết sau ăn 2 giờ < 10 mmol/l; HbA1C < 7%.
– Mục tiêu đường huyết có thể khác nhau tuỳ theo từng bệnh nhân, tuỳ tuổi, thói quen sinh hoạt và tuân thủ điều trị.
– Cần điều trị các yếu tố nguy cơ đi kèm: tăng huyết áp, rối loạn lipid máu.
2. Điều trị cụ thể
2.1 Chế độ vận động
Vận động đều đặn hằng ngày với mức độ tương đương nhau, vận động vừa sức với thời gian dài có lợi hơn vận động gắng sức với thời gian ngắn.
2.2 Chế độ ăn
– Glucid: nên dùng tinh bột như bánh mỳ, gạo, tránh các loại đường hấp thu nhanh như bánh ngọt, kẹo, trái cây…
– Lipid: nên dùng dầu thực vật, cá.
– Nên chia thành nhiều bữa nhỏ.
– Đảm bảo cân nặng lý tưởng: Cân nặng lý tưởng = (chiều cao)2 x 22
2.3 Chế độ thuốc:
Các nhóm thuốc
* Insulin: được tiết ra từ tế bào beta của tuỵ. Insulin được tiết liên tục trong 24h tuỳ thuộc lượng đường. Nhu cầu insulin/24h là 0,7 – 0,8đv/kg, trong đó 2/3 là insulin nền (0,3 – 0,5đv/kg ), 1/3 lượng insulin theo nhu cầu ăn uống.
a. Các loại insulin
Có nhiều loại phân chia theo thời gian tác dụng:
+ Insulin có tác dụng nhanh: dung dịch tiêm trong, tác dụng sau 15 – 30 phút, kéo dài 6 giờ.
+ Insulin có tác dụng trung gian: dung dịch tiêm mờ, tác dụng sau 30 – 60 phút, kéo dài 12 – 20 giờ.
+ Insulin có tác dụng chậm: dung dịch tiêm đục, tác dụng sau 30 – 90 phút, kéo dài 24 – 30 giờ.
+ Insulin hỗn hợp: pha trộn giữa insulin có tác dụng nhanh vài insulin có tác dụng trung gian. Có thể pha theo tỷ lệ 30% insulin có tác dụng nhanh, 70% insulin có tác dụng trung gian hoặc 40% insulin có tác dụng nhanh, 60% insulin có tác dụng trung gian.
b. Chỉ định
+ Chỉ định bắt buộc: đái tháo đường týp1, đái tháo đường nhiễm toan ceton hoặc hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu.
+ Chỉ định tạm thời:
– Đái tháo đường týp 2 có bệnh cấp tính kèm theo như nhiễm trùng nặng, phẫu thuật, suy gan, suy thận.
– Bệnh nhân có thai.
– Đái tháo đường cần insulin: đái tháo đường týp 2 đã hơn 5 năm không còn đáp ứng với chế độ ăn và dùng thuốc nữa.
- Đường tiêm: Với insulin nhanh có thể tiêm hoặc truyền đường tĩnh mạch, các loại insulin khác tiêm đường dưới da.
- Vị trí tiêm dưới da: vùng trên ngoài hai cánh tay, hai mặt trước ngoài đùi, vùng trước bụng dưới rốn, hai vùng trên ngoài của mông.
- Các phác đồ:
– Đa số bệnh nhân đáp ứng với phác đồ tiêm 1 – 2 mũi/ngày (phác đồ qui ước). Có thể tiêm 2 mũi insulin hỗ hợp (mixtard 30/70) hoặc insulin bán chậm đơn thuần vào hai bữa ăn sang và tối.
– Khi phác đồ điều trị theo qui ước thất bại, chế độ ăn hoặc chế độ sinh hoạt thất thường hoặc khi cần kiểm soát đường huyết chặt chẽ thì chuyển sang phác đồ nhiều mũi tiêm như 3 mũi/ngày (2 mũi nhanh và 1 mũi bán chậm hoặc 1 mũi nhanh và 2 mũi bán chậm); tiêm 4 mũi/ngày (3 mũi nhanh trước các bữa ăn và 1 mũi bán chậm trước khi đi ngủ).
- Liều lượng: với đái tháo đường týp 1 liều khởi đầu: 0,4 – 0,5đv/kg/ngày, với đái tháo đường týp 2 liều khởi đầu: 0,2 – 0,5đv/kg/ngày, sau đó điều chỉnh liều theo đường huyết.
* Nhóm biguanid:
Thuốc duy nhất còn sử dụng là metformin
– Cơ chế tác dụng: làm giảm tân tạo glucose ở gan, ức chế hấp thu glucose ở đường tiêu hoá và làm tăng bắt giữ glucose ở cơ vân.
– Chỉ định: đái tháo đường týp 2 nhất là những bệnh nhân có thừa cân hoặc béo phì.
– Chống chỉ định: đái tháo đường typ1, đái tháo đường nhiễm toan ceton, thiếu oxy tổ chức ngoại biên (như suy tim, suy hô hấp), suy thận, rối loạn chức năng gan, có thai, chế độ ăn ít calo, ngay trước và sau phẫu thuật hoặc bệnh nhân > 70 tuổi.
– Liều: 500 – 2550 mg.
– Tác dụng phụ: hay gặp trên đường tiêu hoá: chán ăn, buồn nôn, nôn, đầy bụng, ỉa chảy…
* Thuốc kích thích tiết insulin nhóm sulfonylureas
– Cơ chế tác dụng: làm tăng tiết insulin từ các tế bào beta của đảo tuỵ.
– Chỉ định: Đái tháo đường typ2, điều trị bằng chế độ ăn và điều trị không kết quả.
– Chống chỉ định: đái tháo đường typ1, đái tháo đường nhiễm toan ceton, suy gan, suy thận, phụ nữ có thai hoặc dị ứng với nhóm sulfonylureas
– Thuốc dùng trước ăn từ 30 – 60 phút.
– Một số thuốc: Glibenclamid (biệt dược: glibenhexal 3,5mg) liều 1,25 – 15 mg/ngày chia 2 – 3 lần; Gliclazid (biệt dược: Diamicron MR 30, 60 mg liều 80 – 240 mg/ngày); Glimepirid (biệt dược: Amaryl 1, 2, 4 mg liều: 1- 4 mg/ngày).
* Thuốc kích thích tiết insulin không phải sulfonylureas: Nateglinid, Meglitinid.
– Cơ chế tác dụng: làm tăng tiết insulin từ các tế bào beta của đảo tuỵ.
– Thời gian bán huỷ dưới 1h, tăng insulin nhanh trong thời gian ngắn.
– Liều bắt đầu là: 0,5 mg x 3 lần/ngày, uống trước ăn. Liều tối đa 16 mg/ngày.
– Có thể dùng cho bệnh nhân suy thận và lớn tuổi.
– Ít gây hạ đường huyết hơn nhóm sulfonylureas.
* Thuốc ảnh hưởng đến hấp thu glucose
Ức chế hấp thu đường làm giảm đường máu sau ăn. Thuốc ức chế men alpha-glucosidase
– Chỉ định: tăng đường máu sau ăn.
– Liều lượng và cách dùng: Glucobay 50, 100 mg. Liều 50 – 200mg x 3 lần/ngày. Uống thuốc trong bữa ăn. Bắt đầu bằng liều thấp nhất sau tăng dần tuỳ theo đáp ứng điều trị.
– Tác dụng phụ: buồn nôn, nôn, đầy bụng, mót đi ngoài, ỉa chảy…
* Nhóm các thuốc incretin
– Các nhóm thuốc đồng phân GLP-1 (Glucagon like peptid 1)
+ Cơ chế tác dụng: kích thích tiết insulin khi đường máu cao. GLP-1 cũng làm giảm tiết glucagom, làm chậm trống dạ dày, giảm cảm giác ngon miệng giúp giảm đường huyết sau ăn.
+ Chỉ định: ĐTĐ typ2, tăng đường huyết sau ăn.
+ Liều lượng và cách dùng: thuốc exenatid dạng bút tiêm: tiêm dưới da 5 hoặc 10 µg x 2 lần/ngày, trước ăn 60 phút.
+ Tác dụng phụ: buồn nôn, hạ đường huyết.
– Nhóm ức chế DPP4
+ Các thuốc này có tác dụng ức chế enzyme thuỷ phân GLP-1 là DPP4 (Dipeptidyl peptidase-4) nhờ đó làm tăng nồng độ và tác dụng của GLP-1 nội sinh.
+ Chỉ định: ĐTĐ typ2, tăng đường huyết sau ăn.
+ Liều lượng và cách dùng: liều 1-2 viên/ngày.
+ Thuốc: Sitagliptin (Januvia 50, 100 mg)
Vidagliptin (Galvus viên 50 mg)
Saxagliptin (Onglyza viên 2,5 và 5 mg).
+ Tác dụng phụ: buồn nôn, đau đầu, đau họng.
+ Cần chỉnh liều ở bệnh nhân suy thận.