Biến chứng cấp tính của bệnh đái tháo đường.
Đái tháo đường là rối loạn chuyển hoá của nhiều nguyên nhân, bệnh được đặc trưng bởi tình trạng tăng glucose huyết mạn tính phối hợp với rối loạn chuyển hoá carbohydrat, lipid và protein do thiếu hụt tiết insulin hoặc do insulin tác dụng kém hoặc do cả hai. Bênh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, có thể cấp tính hoặc mãn tính,
Contents
1. Các biến chứng cấp tính
* Hôn mê do toan ceton:
– Là biến chứng nặng, có nguy cơ tử vong cao. Nguyên nhân chính là do tăng các hormone làm tăng đường máu và thiếu hụt insulin làm tăng sản xuất glucose tại gan, giảm chuyển hoá glucose, tăng ly giải lipid, tăng tổng hợp ceton gây toan ceton. Thường xảy ra ở đái tháo đường týp1 do ngừng điều trị insulin đột ngột, nhiễm trùng, chấn thương, nhồi máu cơ tim, thai nghén…
– Triệu chứng lâm sàng:
+ Triệu chứng tăng đường máu : mệt, tiểu nhiều, khát nước, nhìn mờ.
+ Triệu chứng mất nước : yếu, mệt mỏi, chán ăn, khát nước, khô da và niêm mạc, chuột rút, mạch nhanh, huyết áp tụt.
+ Rối loạn ý thức do mất nước : lơ mơ, ngủ gà, hôn mê.
+ Triệu chứng toan chuyển hoá: nôn, buồn nôn, thở nhanh sâu, hơi thở mùi táo thối.
– Triệu chứng cận lâm sàng:
+ Đường huyết > 13,9 mmol/l.
+ Khí máu động mạch : pH ≤ 7,3 ; HCO3– < 18 mmol/l.
+ Tăng khoảng trống anion > 12.
+ Ceton niệu (+), ceton máu (+).
* Hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu
Thường gặp ở đái tháo đường týp 2 do tình trạng đường máu tăng rất cao, mất nước nặng do tăng đường niệu và lợi tiểu thẩm thấu gây ra tình trạng mất nước nhiều.
Triệu chứng lâm sàng
– Triệu chứng tăng đường máu : mệt, tiểu nhiều, khát nước, nhìn mờ.
– Triệu chứng mất nước : yếu, mệt mỏi, chán ăn, khát nước, khô da và niêm mạc, chuột rút, mạch nhanh, huyết áp tụt, rối loạn ý thức do mất nước như lơ mơ, ngủ gà, hôn mê. Tình trạng này tiến triển trong vài ngày đến vài tuần.
Triệu chứng cận lâm sàng
– Đường huyết thường > 33,3 mmol/l.
– Tăng áp lực thẩm thấu > 320 mOsm/L.
– Natri máu có thể tăng, bình thường hoặc giảm.
– Nồng độ kali máu có thể cao do tăng áp lực thẩm thấu gây kéo kali từ trong tế bào ra ngoài, có thể bình thường hoặc thấp (mất theo đường niệu do tình trạng lợi tiểu thẩm thấu).
* Hôn mê do toan lactic
Xảy ra do tích tụ acid lactic trong máu gây toan chuyển hoá. Bệnh thường xảy ra trên người lớn tuổi do hai tác động:
+ Thiếu oxy do suy tim hoặc suy hô hấp.
+ Lạm dụng biguanid: chỉ định quá liều biguanid ở bệnh nhân suy gan, suy thận.
* Hôn mê do hạ đường huyết
Do sử dụng quá liều thuốc hoặc dùng thuốc nhưng bỏ bữa ăn.
2. Biến chứng nhiễm trùng
Các nhiễm trùng rất đa dạng nhưng hay gặp các loại sau:
– Lao nhất là lao phổi, thận.
– Vi khuẩn sinh mủ như tụ cầu ở da, niêm mạc,các loại nhiễm trùng bàn chân.
– Nấm hay gặp nấm ở đường sinh dục đặc biệt là nữ.
3. Bàn chân đái tháo đường
Là biến chứng hay gặp nhất và là nguyên nhân gây cắt cụt chi và tử vong cao ở bệnh nhân đái tháo đường. Trong bệnh lý bàn chân vai trò của biến chứng thần kinh ngoại vi, bệnh lý mạch máu ngoại vi và nhiễm trùng luôn gắn bó mật thiết với nhau. Tổn thương bàn chân bắt đầu ở những ngón chân, ô mô ngón bị mất cảm giác đặc biệt những nơi ngón bị biến dạng và/hoặc thiếu máu. Những ngón chân dễ bị chấn thương, dễ hình thành những cục chai, ổ loét, nhiễm trùng và hoại tử. Tổn thương thần kinh gây giảm tiết mồ hôi và khô da làm da bệnh nhân dễ nứt nẻ, loét và hoại tử.