Ngộ độc cấp và điều trị ngộ độc cấp
Contents
Thực trạng về tình trạng ngộ độc hiện nay
Trong những năm qua cùng với việc sử dụng rộng rãi các chất bảo vệ thực vật, các thuốc có cường độ tác dụng mạnh, các chất ma túy, sự ô nhiễm môi trường và việc lạm dụng các chất bảo quản thực phẩm đã làm cho tình hình ngộ độc trở nên phổ biến và nghiêm trọng hơn ở nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới. Một trong những yếu tố cần thiết để góp phần vào việc phòng ngừa và hạn chế tác hại do ngộ độc gây ra là những người làm công tác y tế cần nắm được những kiến thức cơ bản về chất độc và xử lí ngộ độc cấp.
Các tác nhân gây ngộ độc
Có rất nhiều tác nhân gây ngộ độc như: các chất trừ sâu diệt cỏ, các hóa chất diệt chuột, một số kim loại nặng, một số thuốc thường dùng trong điều trị và ngay cả một số lương thực thực phẩm như sắn cá nóc. Nguyên nhân dẫn đến ngộ độc rất khác nhau, có thể do nhầm lẫn, hoặc chủ ý của người bệnh là tự tử. Trong những trường hợp này do người bệnh dùng liều rất cao lại cố tình che dấu những chất đang dùng, được phát hiện muộn nên vấn đề xử lí gặp nhiều khó khăn.
Điều trị ngộ độc
Để điều trị ngộ độc cần xem xét tất cả các khía cạnh và điều tra kĩ nguyên nhân để có biện pháp hợp lí. Nếu ngộ độc do cố ý cần kết hợp với khuyên giải, động viên. Và dù kết hợp theo biện pháp nào đi chăng nữa thì điều trị ngộ độc cấp vẫn là hàng đầu và cần phải tiến hành khẩn trương. Điều trị ngộ độc cấp bao gồm 3 giải pháp chủ yếu sau: hỗ trợ các chức năng sống của cơ thể, làm giảm hấp thu và đẩy nhanh thải trừ các chất độc, dùng các chất giải độc.
Hộ trợ các chức năng sống của cơ thể
Hỗ trợ chức năng sống và điều trị triệu chứng là các biện pháp ban đầu can thiệp. Trong nhiều trường hợp nếu hồi sức tốt và điều trị triệu chứng tốt thì bệnh nhân có thể tự giải độc. Một số biện pháp hỗ trợ: cho bệnh nhân thở oxy đảm bảo sự thông khí, điều trị các rối loạn về huyết áp tim mạch dùng các thuốc như dopamin, noradrenalin để nâng huyết áp cho bệnh nhân.
Phương pháp làm giảm hấp thu
Làm giảm hấp thu và thải trừ các chất độc cũng là một trong những biện pháp điều trị ngộ độc. Làm giảm hấp thu thuốc bằng cách gây nôn, làm rỗng dạ dày, rửa dạ dày, dùng các chất hấp phụ như than hoạt tính để hạn chế hấp thu một số thuốc tại dạ dày.
Đẩy nhanh thả trừ
Đẩy nhanh thải trừ các chất độc bằng cách gây lợi tiểu do đẩy nhanh thải trừ các chất độc ra khỏi cơ thể, giảm tái hấp thu chúng tại ống thận, biện pháp này thường được chỉ định trong các trường hợp ngộ độc alcol, phenolbarbital. Có thể sử dụng cách thay đổi pH nước tiểu bằng cách kiềm hóa nước tiểu hoặc axit hóa nước, sẽ làm tăng dạng ion hóa của một số chất do đó làm giảm tái hấp thu của chúng ở ống thận. Ví dụ người ta acid hóa nước tiểu sẽ làm tăng thải trừ những thuốc có bản chất là base yếu như amphetamin, strychnin.
Phương pháp giải độc đặc hiệu là sử dụng các chất giải độc đối kháng với các chất gây độc. Các chất giải độc tác dụng theo cơ chế khác nhau và cũng chỉ có tác dụng với một số tác nhân gây độc nhất định. Ví dụ dùng Deferoxamin điều trị ngộ độc sắt.