Cách dùng thuốc omeprazol
Omeprazol là một thuốc thường hay dùng để điều trị viêm loét dạ dày tá tràng, nhưng uống trước hay sau ăn, sử dụng thuốc thế nào cho đúng là một vấn đề đặt ra.
Contents
1. Cơ chế tác dụng của thuốc
Thuốc Omeprazol ức chế sự bài tiết acid của thành tế bào dạ dày do ức chế có hồi phục hệ enzym hydro – kali adenosin triphosphatase (còn gọi là bơm proton) ở tế bào viền của dạ dày. Thuốc có tác dụng nhanh, kéo dài nhưng hồi phục được và đạt tác dụng tối đa sau khi uống thuốc 4 ngày.
2. Chỉ định của thuốc
– Trào ngược dạ dày – thực quản
– Loét dạ dày tá tràng
– Người mắc Hội chứng Zollinger – Ellison
3. Chống chỉ định và thận trọng
Khi quá mẫn với thuốc
- Cần thận trọng khi :
Trước khi cho người loét dạ dày dùng omeprazol, phải loại trừ khả năng bị u ác tính (thuốc có thể che lấp các triệu chứng, do đó làm muộn chẩn đoán).
Nên tiêm thuốc vào tĩnh mạch cho người bị bệnh nặng và người có nhiều ổ loét để phòng ngừa chảy máu ổ loét do stress. Phải tiêm tĩnh mạch chậm ít nhất là 3 phút và tốc độ tối đa là 4 ml/phút. Liều 40 mg tiêm tĩnh mạch sẽ làm giảm ngay lượng acid hydroclorid (HCl) có trong dạ dày trong vòng 24 giờ.
- Trong thời kỳ mang thai:
Tuy trên thực nghiệm không thấy omeprazol có khả năng gây dị dạng thai và độc với bào thai, nhưng không nên dùng cho người mang thai, nhất là trong 3 tháng đầu.
- Trong thời kỳ cho con bú
Không nên dùng omeprazol với người cho con bú. Cho đến nay, chưa có thêm tài liệu nghiên cứu nào có kết luận cụ thể về vấn đề này.
Tác dụng phụ của thuốc
Thường gặp nhức đầu, buồn ngủ, chóng mặt.
Buồn nôn, nôn, đau bụng,đầy hơi, táo bón, chướng bụng.
Ít gặp: mất ngủ, rối loạn cảm giác, chóng mặt, mệt mỏi, nổi mày đay, nổi ban.
Hiếm gặp các trường hợp:
Ðổ mồ hôi, phù ngoại biên, quá mẫn gồm phù mạch, sốt, phản vệ.
Giảm bạch cầu, tiểu cầu, giảm toàn bộ các tế bào máu, ngoại biên, mất bạch cầu hạt.
Lú lẫn có hồi phục, kích động, trầm cảm, ảo giác ở người cao tuổi và đặc biệt là người bệnh nặng, rối loạn thính giác.
Chứng vú to ở đàn ông.
Viêm gan vàng da hoặc không vàng da, bệnh não ở người bị suy gan.
Co thắt khí phế quản.
Ðau xương khớp, đau cơ.
4. Xử lý
Phải ngừng thuốc ngay khi có biểu hiện tác dụng không mong muốn nặng.
5. Liều lượng, cách dùng
Ðể có liền sẹo lâu dài và tránh loét tái phát, cần loại trừ hoàn toàn H. pylori và giảm hoặc ngừng dùng thuốc chống viêm không steroid.
Ðiều trị viêm thực quản do trào ngược dạ dày – thực quản
Liều thường dùng là 20 – 40 mg, uống mỗi ngày một lần, thời gian từ 4 đến 8 tuần; sau đó có thể điều trị duy trì với liều 20 mg một lần mỗi ngày.
Ðiều trị loét: Uống mỗi ngày một lần 20 mg (trường hợp nặng có thể dùng 40 mg) trong 4 tuần trong trường hợp là loét tá tràng, trong 8 tuần nếu là loét dạ dày. Không nên dùng dài hơn thời gian trên. Trị liệu bằng omeprazol giúp làm giảm độ toan trong dạ dày, nhưng lại làm tăng gastrin. Tuy nhiên đây là tăng tạm thời và phục hồi được. Khi điều trị dài ngày, dễ gặp tình trạng tăng sinh nang tuyến dạ dày. Những thay đổi đó có tính chất sinh lý, lành tính và có thể hồi phục được.
Sử dụng omeprazol trong điều trị chứng loét
Omeprazol chỉ là một trong các thuốc trong trị liệu với công thức 2 hoặc 3 thuốc gồm (ức chế bơm proton, kháng sinh, thuốc chống acid). Cần phải chú ý rằng 30% số người bệnh có H. pylori kháng lại các nitro – imidazol. Ðể triệt H. pylori, các thuốc thường được dùng là amoxycilin (hay tetracyclin) + metronidazol (hay tinidazol) trong 10 ngày. Nên uống omeprazol đồng thời với ks amoxicilin, vì nếu dùng omeprazol trước thì sẽ giảm tác dụng của cả hai thuốc này. Trị liệu dùng 3 thuốc thường gây nhiều tác dụng không mong muốn hơn so với việc dùng 2 thuốc, nhưng trong cả hai trường hợp, các tác dụng không mong muốn đều nhẹ.
Nếu dùng liều cao, không được ngừng thuốc đột ngột mà phải giảm dần.
Ðiều trị hội chứng Zollinger – Ellison
Mỗi ngày uống một lần 60 mg (20 – 120 mg một ngày); nếu dùng liều cao hơn 80 mg thì chia ra 2 lần một ngày. Liều lượng được tính theo từng trường hợp cụ thể và trị liệu có thể kéo dài tùy theo yêu cầu lâm sàng. Không được dừng thuốc đột ngột.