Nifedipine
Tác dụng của thuốc
Nifedipin là thuốc chẹn kênh calci thuộc nhóm dihydropyridin, có tác dụng chống cơn đau thắt ngực, chống tăng huyết áp, điều trị bệnh Raynaud.
Chỉ định của thuốc
Dự phòng cơn đau thắt ngực, đặc biệt khi có yếu tố co mạch như trong đau thắt ngực kiểu Prinzmetal.
Điều trị Tăng huyết áp.
Hội chứng Raynaud.
Chống chỉ định của thuốc:
Sốc do tim, Hẹp động mạch chủ nặng, Nhồi máu cơ tim trong vòng 1 tháng, Cơn đau cấp trong đau thắt ngực ổn định mạn, nhất là trong đau thắt ngực không ổn định. Người Rối loạn chuyển hóa porphyrin.
Thận trọng khi sử dụng
Sau khi bắt đầu điều trị, nếu thấy cơn đau do thiếu máu cục bộ xuất hiện hoặc cơn đau hiện có nặng lên nhanh chóng, thì cần phải ngừng thuốc.dùng thận trọng nifedipin khi người bệnh bị suy tim hoặc chức năng thất trái bị suy vì suy tim có thể nặng lên. Hiệu chỉnh liều khi có tổn thương gan, đái tháo đường. hoặc phải thôi không cho trẻ bú mẹ nếu mẹ dùng thuốc.
Tác dụng phụ của thuốc
Thường gặp phải là: Phù mắt cá chân, đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt, nóng đỏ bừng mặt. Ðánh trống ngực, tim đập nhanh (xảy ra phổ biến và rất bất lợi, nhiều khi phải bỏ thuốc). Buồn nôn, ỉa chảy hoặc táo bón.
Ít gặp phải là: Hạ huyết áp, tăng nặng cơn đau thắt ngực. Ngoại ban, mày đay, ngứa.
Hiếm gặp là: Ban xuất huyết, phản ứng dị ứng, Giảm bạch cầu hạt, Ngoại tâm thu, ngất. Tăng enzym gan (transaminase), ứ mật trong gan có hồi phục.
Liều dùng và cách dùng
Cách dùng
Dạng viên nang dùng điều trị cơn cấp tính của bệnh tăng huyết áp, cơn đau thắt ngực, và bệnh Raynaud. Dạng này thường dùng đặt dưới lưỡi, dùng đường uống (cách dùng là chích thủng viên thuốc, nhai hoặc bóp hết dung dịch chứa trong viên thuốc vào miệng hoặc cắn vỡ viên thuốc rồi nuốt). Dạng viên nén giải phóng chậm thường được dùng để điều trị bệnh tăng huyết áp, dự phòng đau thắt ngực và điều trị bệnh Raynaud. Với dạng viên này phải nuốt chửng nguyên viên thuốc, không được nhai, không bẻ hoặc làm vỡ viên thuốc.
Liều lượng
Tăng huyết áp: Dùng loại thuốc tác dụng chậm và kéo dài 10 – 40 mg/1 lần, ngày uống 2 lần hoặc 30 – 90 mg ngày uống 1 lần hoặc 20 – 100 mg ngày uống 1 lần tùy theo chế phẩm.
Dự phòng đau thắt ngực: Dùng thuốc tác dụng chậm và kéo dài 10 – 40 mg/1 lần, ngày uống 2 lần hoặc 30 – 90 mg ngày uống 1 lần tùy theo chế phẩm đã dùng.
Hội chứng Raynaud: Viên nang tác dụng nhanh 5 – 20 mg, 3 lần mỗi ngày.
Tương tác thuốc
Khi dùng đồng thời nifedipin với các thuốc khác có thể xảy ra tương tác thuốc. Dưới đây là 1 số tương tác thuốc thường gặp.
Các thuốc chẹn beta giao cảm: phải thận trọng vì có thể làm hạ huyết áp quá mức, tăng cơn đau thắt ngực, suy tim sung huyết và loạn nhịp tim, đặc biệt hay gặp ở người bệnh chức năng tim giảm. Nhưng lợi ích của nifedipin mang lại vẫn vượt xa các bất lợi có thể xảy ra.
Các thuốc kháng Histamin H2: Dùng đồng thời nifedipin với cimetidin có thể làm tăng nồng độ trong huyết thanh và tăng tác dụng của nifedipin, do vậy giảm liều khi phối hợp (cơ chế của tương tác do cimetidin ức chế chuyển hóa nifedipin thông qua ức chế enzym cytochrom P450).
Quá liều và xử trí
Triệu chứng Nói chung tương tự các triệu chứng của các tác dụng không mong muốn, nhưng ở mức độ nặng hơn như: Buồn nôn, đau đầu, hạ huyết áp, tim đập nhanh hoặc chậm, đỏ bừng mặt, hạ kali máu, blốc nhĩ thất…
Xử trí: Phải nhanh chóng rửa dạ dày, uống than hoạt và Nhanh chóng dùng các biện pháp điều trị hỗ trợ và triệu chứng.
Nếu hạ huyết áp, đặt người bệnh nằm ngửa, kê cao chân, rồi truyền dịch để làm tăng lượng huyết tương, tuy nhiên cần phải tránh quá tải đối với tim. Nếu huyết áp chưa điều hòa được thì tiêm tĩnh mạch calci gluconat hoặc calci clorid. Nếu người bệnh vẫn còn hạ huyết áp thì cần phải truyền các thuốc cường giao cảm như: Isoprenalin, dopamin, hoặc noradrenalin.
Nếu nhịp tim chậm dùng atropin, isoprenalin hoặc đặt máy tạo nhịp.
Nếu nhịp tim nhanh, nhịp nhanh thất hoặc rung nhĩ thì khử rung, tiêm tĩnh mạch thuốc lidocain hoặc procainamid.
Nếu co giật thì truyền tĩnh mạch diazepam hoặc sử dụng phenytoin.