TÁO BÓN

TÁO BÓN
5 (100%) 1 vote

Táo bón không phải là một bệnh mà là triệu chứng thường gặp ở mọi lứa tuổi, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống và là một trong những vấn đề tiêu hóa phổ biến nhất hiện nay.

Định nghĩa về táo bón:

  •        Ở người lớn: Táo bón là sự giảm tần số và khó bài xuất phân do cục phân to và rắn.
  •        Ở trẻ em:

– Khó xác định được tần số bài xuất phân bình thường.

– Táo bón có thể xảy ra cấp tính hoặc mạn tính, tái phát nhiều đợt.

– Trẻ em được coi là táo bón khi có tần số bài xuất phân:

 + Trẻ sơ sinh < 2 lần/ngày

 + Trẻ bú mẹ < 3 lần/tuần

 + Trẻ lớn < 2 lần/tuần

 Định nghĩa táo bón mạn tính chức năng theo tiêu chuẩn Rome III (2006) ở trẻ em cần ít nhất 2 trong số các triệu chứng sau:

(1) Đi ngoài ≤ 2 lần/tuần

(2) Són phân ≥ 1 lần/tuần

(3) Đại tiện khó và đau

(4) Thăm dò hậu môn có nhiều phân

(5) Hiếm khi đi ngoài, cục phân rất to

Các triệu chứng đi kèm có thể có: quấy khóc khi đại tiện, ăn không ngon, không thấy đói, hết đau bụng sau khi đại tiện được.

Tình trạng trên kéo dài trên 8 tuần.

Nguyên nhân gây táo bón ở trẻ em:      

1. Nguyên nhân thực thể:

– Nguyên nhân đại – trực tràng: phình to đại tràng, hẹp đại tràng, hẹp trực tràng hậu môn bẩm sinh…

– Nguyên nhân thần kinh: thoát vị màng não tủy – chèn ép tủy, bệnh não, bệnh cơ vân, cơ trơn.

– Nguyên nhân toàn thân: suy giáp trạng bẩm sinh, giảm kali máu, tăng canxi máu làm giảm co bóp cơ, giảm trương lực thành bụng.

2. Nguyên nhân cơ năng:

Là táo bón khi đã loại trừ các nguyên nhân thực thể, chỉ còn lại nguyên nhân do chức năng ống tiêu hóa. Loại nguyên nhân này được phân loại theo tuổi:

a/ Trẻ sơ sinh và trẻ bú mẹ:

+ Nút phân su.

+ Sai lầm dinh dưỡng: pha sữa quá đặc, dùng quá nhiều tinh bột.

+ Viêm quanh hậu môn, nứt hậu môn.

b/ Trẻ 18 tháng – 3 tuổi:

+ Đau khi ỉa: nứt kẽ hậu môn, sai tư thế, từ chối ngồi bô.

+ Táo bón có thể đi kèm hội chứng đại tràng kích thích xen kẽ giữa táo bón và tiêu chảy mạn tính, phân nhỏ rắn, phối hợp với đau bụng.

c/ Trẻ lớn thường gặp ở hai thời điểm:

+ Bắt đầu học mẫu giáo, trẻ tự sử dụng toa-lét, không thoải mái, sợ bẩn, sợ cô giáo… dẫn tới nhịn ỉa.

+ Trẻ tuổi học đường, các phương tiện giải trí làm trẻ mê mải, sợ bẩn, sợ ma… gây ứ đọng phân và táo bón kéo dài, cục phân ngày càng to, rắn, giảm nhạy cảm các phản xạ rặn ỉa.

Phần định nghĩa đã bao gồm rất nhiều biểu hiện ở trẻ bị táo bón, ngoài ra ta có thể khai thác thêm:

– Ngày xuất hiện và diễn biến.

– Nứt hậu môn, đau khi ỉa, trẻ không dám ỉa, nhịn ỉa.

– Chướng bụng, đau bụng, nôn, xen kẽ ỉa chảy và táo bón.

– Yếu tố tâm lý (sợ bẩn, sợ đi một mình, sợ cô giáo…)

– Thay đổi chế độ ăn ít nước, ít xơ, nhiều đạm.

– Hình thể phân: phân đũa (hẹp hậu môn), phân to.

– Bệnh cấp tính: dùng nhiều kháng sinh, các thuốc giảm co bóp ruột.

– Tiền sử gia đình về các bệnh đại – trực tràng.

Điều trị táo bón trước hết cần xem lại nguyên nhân và chế độ dinh dưỡng:

– Tăng cường thức ăn có chất xơ, rau xanh; tăng cường hoạt động thể lực vận động; tập cho trẻ đại tiện một giờ nhất định (thường là buổi sáng sau khi ngủ dậy).

– Sau khi cố gắng không có hiệu quả sẽ dùng các thuốc điều trị: Lactulose (Duphalac), dầu paraphin (không dùng ở trẻ dưới 12 tháng tránh trẻ bị sặc), Microlax bé bé, Bisacodyl, Sobitol, thuốc muối magie, thụt nước ấm pha glycerin hoặc dung dịch NaCl 0.9%.

Phòng bệnh táo bón ở trẻ em cần có chế độ dinh dưỡng cân đối, phù hợp với lứa tuổi trẻ, đủ chất xơ, đủ lượng nước uống hằng ngày. Tập cho trẻ thói quen đại tiện hằng ngày vào giờ nhất định, tránh tình trạng nhịn ỉa. Luôn tạo tâm lý thoải mái, không tạo áp lực, dọa nạt, thúc giục làm trẻ càng lo sợ. Về phía nhà trường cũng nên đầu tư thỏa đáng cho công trình phụ, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ.

Xem thêm các bài viết chuyên khoa về táo bón tại: isilax.vn

You might also like More from author

Leave A Reply

Your email address will not be published.

DMCA.com Protection Status